Giới thiệu

(Cập nhật ngày: 20/10/2014)

                                                                                                        Chủ nhiệm khoa

                                                                                               NGƯT. GS.TSKH. Nguyễn Tài

 

        Khoa Kiến trúc-công trình được thành lập ngày 12 tháng 9 năm 1997, là một trong 2 khoa Công nghệ đầu tiên của trường Đại học Phương Đông tại thời điểm đó với 02 ngành đào tạo là Kiến trúc – mã số 24.00 và Công trình – mã số 

25.00 (gồm 02 chuyên ngành: Xây dựng dân dụng&công nghiệp và Cầu đường) theo quyết định số 7175/QĐ-BGD&ĐT/ĐH ngày 20/8/1997.

        Năm 2003 theo quyết định số 623/QĐ-BGD&ĐT/ĐH ngày 13/02/2003, Khoa được phép đào tạo ngành Cấp thoát nước. Thời gian đào tạo của tất cả các ngành và chuyên ngành là 5 năm. Sinh viên tốt được nhận bằng tốt nghiệp chính quy Kiến trúc sư và Kỹ sư công trình.

        Năm 2007 được sự đồng ý của Nhà trường, khoa KT-CT bắt đầu mở hệ Liên thông từ trung cấp lên đại học (3,5 năm) và từ cao đẳng lên đại học (2,5 năm). Năm 2009 theo quyết định số 552/QĐ-BGD&ĐT/ĐH ngày 22/01/2009 khoa KT-CT được phép mở ngành Kinh tế&Quản lý xây dựng (4,5 năm) và đào tạo hệ Cao đẳng ngành Xây dựng dân dụng&công nghiệp (3 năm). Năm 2005 được sự đồng ý của Hiệu trưởng ĐHPĐ, ngành Kiến trúc mở thêm chuyên ngành mới- Kiến trúc Phương Đông.

       Ngày 25/5/2013, Bộ GD&ĐT cho phép Trường ĐH Phương Đông đào tạo trình độ thạc sĩ chuyên ngành Kỹ thuật Xây dựng Công trình Dân dụng và Công nghiệp theo quyết định số 1836/QĐ-BGDĐT. Công tác đào tạo được Nhà trường giao về khoa KT-CT; ngày 16/11/2013 Khoa tổ chức lễ khai giảng; chương trình có tổng số tín chỉ là 45, thời gian đào tạo trong 2 năm đối với hệ không tập trung và 1,5 năm đối với hệ tập trung.

       Như vậy đến thời điểm này, theo quy định về danh mục ngành nghề đào tạo của Bộ GD&ĐT, khoa KT-CT đang được đào tạo 06 chuyên ngành, 04 hệ (sau đại học, đại học chính quy, đại học liên thông và hệ cao đẳng).

        Mục tiêu chung của các chuyên ngành là đào tạo Kiến trúc sư, Kỹ sư có kiến thức cơ bản vững và tương đối hoàn chỉnh, kiến thức kỹ thuật và chuyên ngành vừa đủ để hành nghề vừa là cơ sở để mở rộng ngành nghề, nâng cao trình độ và tham gia các công trình khoa học công nghệ khi cần; có kiến thức hiện đại cập nhật; có tay nghề nhất định để khi ra trường nhanh chóng thích nghi với yêu cầu của xã hội và dễ dàng tìm việc làm.

       Chương trình và nội dung các môn học trong từng giai đoạn được xây dựng trên cơ sở chương trình khung của Bộ GD&ĐT và kết quả của nhiều cuộc hội thảo về đào tạo Kiến trúc sư & Kiến trúc Phương Đông và Kỹ sư công trình & Kỹ sư kinh tế được tổ chức tại Khoa vào các năm 2003, 2005, 2006, 2011 và 2012. Hoạt động này được hoàn thiện theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, có tham khảo tài liệu của các trường trong nước, trong khu vực và thế giới, tăng cường thực hành, thực tập, kết hợp tốt hơn giữa đào tạo & nghiên cứu và lao động sản xuất nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học, nâng cao năng lực tự học, tự rèn luyện, tự tạo việc làm của sinh viên. Các bộ Chương trình và Đề cương chi tiết môn học cũng được xây dựng theo các tiêu chí của hệ đào tạo theo niên chế (2005) và hệ đào tạo theo tín chỉ (2011). Đây là Bộ Chương trình và Đề cương chi tiết môn học đã được Hiệu trưởng ký ban hành như là Bộ Chương trình và Đề cương môn học chính thức của trường Đại học Phương Đông.

       Cùng với việc đổi mới chương trình và nội dung các môn học, phương pháp dạy và học đã có nhiều thay đổi. Việc chuyển đổi từ dạy và học thụ động sang chủ động, từ việc Thầy Cô quan tâm đến kết quả học tập chung của cả lớp đến việc quan tâm đến từng sinh viên (hay còn gọi là đào tạo cá nhân) đã được Khoa thực hiện theo một lộ trình và áp dụng cho từng đối tượng một cách hợp lý.

Khái niệm dạy và học bằng sách, tức là giảm giờ lên lớp lý thuyết, tăng giờ thảo luận, làm bài tập, thí nghiệm, buộc sinh viên phải tự học, phải đọc tài liệu, chuẩn bị bài tốt trước khi lên lớp đã được hình thành trong Khoa và thực hiện thường xuyên ở nhiều môn học trong những năm gần đây. Để thực hiện hiệu quả cách dạy và học trên đây Khoa đã có 781 tài liệu giảng dạy các môn Cơ sở kỹ thuật và Chuyên ngành do các giảng viên cơ hữu và hợp đồng dài hạn biên soạn, đã được xuất bản ở các Nhà xuất bản ngoài trường và gần 40 bài giảng, 30 bộ đề thi trắc nghiệm trên máy, 90 bộ đề thi trắc nghiệm + vấn đáp cùng gần 30 các tài liệu hướng dẫn phương pháp học tập của các môn Cơ sở kỹ thuật và Chuyên ngành. Tại thư viện sinh viên có thể tham khảo nhiều Tạp chí chuyên ngành, các sách chuyên đề tiếng nước ngoài (chủ yếu là về Kiến trúc) và các đồ án môn học, đồ án tốt nghiệp của các khoá trước.

       Ngành Kiến trúc đã tổ chức các Workshop hay còn gọi là các giờ học Đồ án nghiên cứu. Đây là một sự đổi mới độc đáo về phương pháp giảng dạy đồ án của công tác đào tạo Kiến trúc sư tại trường ĐH Phương Đông, đã được triển khai giảng dạy từ khóa 12 năm học 2008-2009 cho tất cả các sinh viên kiến trúc. Quy mô tổ chức và việc đầu tư kinh phí, nhân lực để tổ chức các Workshop cho toàn bộ sinh viên đã thể hiện sự quyết tâm cao của Khoa và Nhà trường trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng đào tạo so với một số cơ sở đào tạo khác khi chỉ tổ chức hình thức này cho những nhóm nhỏ sinh viên được chọn lọc.

 

 

 

        Các đồ án Workshop được bố trí cho sinh viên Kiến trúc năm thứ 3, 4 và 5 nhằm nâng cao các kỹ năng về:

- Tìm hiểu và phân tích, đánh giá hiện trạng.

- Nghiên cứu và đề xuất các giải pháp phù hợp với các vấn đề của đô thị và kiến trúc, trong đó có xét tới các yếu tố liên quan về xã hội học, kinh tế học, đô thị học và văn hóa kiến trúc.

- Rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm.

- Rèn luyện kỹ năng thuyết trình.

       Theo học các Workshop này, sinh viên được trang bị từ 6 đến 12 chuyên đề lý thuyết do các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trình bày. Đồng thời từng nhóm sinh viên (4-5 người) sẽ được làm việc và đi thực địa nhiều lần với các giảng viên để tìm các giải pháp cụ thể, hợp lý trong khi triển khai các đồ án. Sinh viên cũng được tham gia nhiều buổi thảo luận, thuyết trình nhóm hoặc cá nhân.

Để làm phong phú thêm kiến thức thực tế cho sinh viên trước khi tốt nghiệp, ngoài học phần Thực tập tốt nghiệp, trong học phần Chuyên đề trước khi tốt nghiệp, Khoa đã thực hiện chủ trương mời các chuyên gia sản xuất & nghiên cứu về giảng dạy. Đã có nhiều chuyên gia từ công trình cầu Thanh trì, cầu Bãi Cháy, đường Hồ Chí minh, dự án Nhà quốc hội, công trình Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình, chuyên gia về xử lý công trình ngầm, chuyên gia biên soạn các quy phạm &tiêu chuẩn nhà nước về tác động của gió bão & động đất … đã được mời về Khoa giảng dạy trong các năm qua. Ngoài ra Khoa cũng đã mời các GS từ các trường ĐH Tổng hợp Hồng Kông, ĐHTH Kosigama-Nhật, ĐH Northumbria-Anh quốc, Đại học Bách khoia Milano, Đại học công nghệ Hoa Nam, Trung quốc, Hiệp hội kỹ sư tư vấn CHLB Đức… đến báo cáo chuyên đề cho sinh viên năm cuối.

 

      Công tác đào tạo sau đại học được tiếp tục mở rộng, năm học 2013-2014 Khoa đã hoàn thiện hồ sơ xin đào tạo trình độ Thạc sĩ ngành Kiến trúc công trình (1,5 năm; 21 học phần; 42 tín chỉ bắt buộc, 8 tín chỉ tự chọn; đội ngũ giảng viên: 2 GS.TS&TSKH, 11 PGS.TS, 8 TS) theo Thông tư số 10/2011/TT-BGDDT ngày 28 tháng 02 năm 2011 của Bộ GD&ĐT. Các hồ sơ này đã được Nhà trường tổ chức hội thảo, thông qua, ký duyệt và đã được trình lên Bộ.

  

  1. Công tác đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ cán bộ – giảng viên cơ hữu:

     Năm học đầu tiên số lượng cán bộ & giảng viên cơ hữu chỉ có 5 người. Được sự ủng hộ từ các Trường, các Viện, các Hội nghề nghiệp, ngay trong học kỳ I năm học 1997-1998 Khoa đã mời được hơn 20 giảng viên thỉnh giảng. Cán bộ, sinh viên khoa KT-CT luôn đánh giá cao và biết ơn sâu sắc đối với sự đóng góp của các Thầy & Cô - những người đã đặt nền móng cho sự hình thành Khoa trong những điều kiện rất khó khăn về cơ sở vật chất, về cơ chế của một loại hình trường đại học mới mẻ ở nước ta. Sau 16 năm, số cán bộ giảng viên của Khoa đã là 60 người, bảo đảm tiêu chí GV/SV của Bộ GD&ĐT cho các ngành kỹ thuật.

      Công tác bồi dưỡng giảng viên cơ hữu trẻ đã được thực hiện nghiêm túc. Quy trình tuyển dụng bao gồm: sơ tuyển > thử việc (4 tháng) > tập sự (6 tháng đối với trình độ ThS) > tuyển chính thức. Giảng viên tập sự được một giảng viên lâu năm hướng dẫn biên soạn bài giảng và phải giảng thử trước Hội đồng khoa 10 lần. Để được xét hết tập sự, GV mới phải có một cuốn bài giảng được người hướng dẫn công nhận là đã soạn đủ nội dung môn học và phải trình bày trước Hội đồng trường một bài giảng do Khoa chỉ định và được Hiệu trưởng ra quyết định công nhận. Khi hết tập sự, GV mới được phân công làm trợ giảng ít nhất một học kỳ, sau đó có thể được giao giảng một phần hoặc toàn bộ môn học. Với đồ án môn học cũng như đồ án tốt nghiệp, GV mới cũng phải làm người hướng dẫn phụ trong 2 năm đầu sau tập sự.

 

  1. Công tác tuyển sinh, đào tạo và tốt nghiệp:

      Trong 16 năm qua, khoa Kiến trúc-công trình đã tuyển 16 khoá sinh viên. Số lượng sinh viên nhập học từ năm 1997 đến 2008 dao động ở con số 300. Trong 3 năm gần đây đã tăng gấp hơn 2 lần. Tổng số sinh viên của 6 chuyên ngành của 16 khóa là 6102. Từ năm 2002 đến năm 2013 số sinh viên đã tốt nghiệp là 2226, chiếm tỷ lệ 65,17%. Tỷ lệ tốt nghiệp không cao trên đây có thể lý giải trước hết bằng đầu vào có trình độ chưa cao, nhưng có lẽ quan trọng hơn cả là bằng sự nghiêm túc, không chạy theo thành tích trong việc đánh giá kết quả học tập từ phía các Thầy Cô giáo, bằng việc cải tiến cách thi hết môn của Khoa – thi “Trắc nghiệm + Vấn đáp” (một cách thi giúp cho giảng viên nắm vững trình độ của từng sinh viên thông qua đối thoại) và bằng việc xử lý đúng quy chế của Khoa và Nhà trường. Nền nếp làm việc nghiêm túc này đã được duy trì và trở thành một “truyền thống” của Khoa, được Nhà trường, phụ huynh và sinh viên hoan nghênh.

 

  1. Công tác xây dựng cơ sở vật chất phục vụ đào tạo:

      Đối với các ngành kỹ thuật & công nghệ, nhu cầu về thiết bị giảng dạy, thiết bị thí nghiệm luôn là một nhu cầu cần được đáp ứng kịp thời. Taị thời điểm kỷ niệm 10 năm thành lập Khoa, các loại thiết bị nói trên còn quá ít, phần lớn các giờ học thí nghiệm đều phải nhờ sự hỗ trợ của các cơ sở ngoài trường. Trong 5 năm gần đây thiết bị giảng dạy đã được trang bị đầy đủ và trong khuôn khổ chủ trương tăng cường cơ sở vật chất chung cho toàn trường của HĐQT, khoa KT-CT đã được đầu tư mới, nâng cấp một loạt cơ sở thực hành, phòng thí nghiệm, bao gồm 02 phòng thí nghiệm Cơ học vật rắn biến dạng (diện tích 45 m 2- 12 chủng loại thiết bị) & Cơ học môi trường rời (diện tích 45 m2- 39 chủng loại thiết bị), 02 Xưởng thiết kế kiến trúc (diện tích 140 m2), XưởngVẽ Mỹ thuật & Điêu khắc (diện tích gần 100 m2) và Phòng thực hành Trắc địa (10 máy và 5 bộ thiết bị phụ kiện) với tổng kinh phí gần 3 tỷ VNĐ. Các cơ sở thực hành và thí nghiệm này đã đáp ứng hầu hết các học phần thực hành của cả 6 chuyên ngành đào tạo của Khoa. Từ nay công tác đào tạo ngoài trường chỉ còn lại đối với các môn học như GDQP, GDTC, Thực tập công nhân và Thực tập tốt nghiệp.

 

  1. Công tác nghiên cứu khoa học – công nghệ, bồi dưỡng SV giỏi :

      Hoạt động KHCN được Khoa chú ý từ sau một năm thành lập nhưng chỉ đến năm 2003 mới được Nhà trường công nhận bằng các Hội thảo về đào tạo Kiến trúc sư và Kỹ sư công trình được tổ chức tại Khoa vào các năm 2002, 2003.

      Từ hội nghị lần thứ nhất đến lần thứ XI (2013) đã có 405 báo cáo được đăng trong 11 tuyển tập, dày trên 3000 trang đề cập đến các công nghệ cập nhật, hiện đại trong lĩnh vực kiến trúc-công trình, đến việc tổ chức, xây dựng chương trình, nội dung đào tạo trong các trường đại học của việt nam cũng như của thế giới. Hội nghị lần thứ XI (2013) có tổng số báo cáo là 96, có 8 báo cáo về đào tạo, 56 báo cáo của giảng viên (431trang) và 32 báo cáo của sinh viên (236 trang).

 

       Các Hội nghị khoa học thường niên này đã tạo điều kiện cho một số giảng viên của Khoa đã hoàn thành các đề tài cấp trường, các luận văn Thạc sĩ & Tiến sĩ và sau khi hiệu chỉnh, bổ sung, một số công trình đã được đăng ở các Tạp chí chuyên ngành.

 

        Trong khoảng 10 năm gần đây Khoa KT-CT đã chú trọng đến các hoạt động bồi dưỡng sinh viên giỏi, tìm kiếm tài năng do các Hội khoa học&nghề nghiệp, các Hiệp hội và các Bộ tổ chức hàng năm. Đến năm 2013, đã có :

- 40 sinh viên đoạt giải Loa Thành, trong đó có 01 giải Nhất, 12 giải Nhì, 21 giải Ba và nhiều giải Khuyến khích; Năm 2013, giải thưởng Loa thành tròn 25 năm, theo bảng xếp hạng các trường có sinh viên đạt giải thì trường Đại học Phương Đông xếp thứ 6 trong 19 trường tham gia.

- 06 sinh viên đoạt giải của Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam, trong đó có 1 giải Nhì, 3 giải Ba và 2 giải Khuyến khích;

- 24 sinh viên đoạt giải Olimpic Cơ học toàn quốc, trong đó có 01 giải Nhất, 3 giải Ba, 01 giải Ba đồng đội và nhiều giải Khuyến khích.

- Cứ 02 năm một lần, Hội KTS Việt nam tổ chức Festival sinh viên kiến trúc cho các trường có đào tạo KTS. Trong 6 lần từ 2000 đến 2011 tham dự Festival, sinh viên ngành Kiến trúc Đại học Phương Đông đã nhận được 77 giải thưởng, trong đó có 14 giải Nhất, 22 giải Nhì, 18 giải Ba và nhiều giải khác.

- Năm 2011 sinh viên Nguyễn Hà Thắng, lớp 507110 đã đoạt giải nhất (đồng tác giả) trong cuộc thi quốc tế về “Mô hình nhà ở thích ứng với biến đổi khí hậu” tại Philippin.

- Trong các cuộc thi thiết kế kiến trúc Việt Nam và quốc tế, sinh viên khoa Kiến trúc - công trình đã đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ:

+ Nhóm SV khóa 509110 và ThS. Thái Minh Hải Hà đã tham gia cuộc thi thiết kế Chỉnh trang quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, tuyến phố Hàng Đào và vùng phụ cận do Hội KTSVN và Hội KTS. Genova đồng tổ chức. Cuộc thi đã thu hút 52 phương án quốc tế tham gia. Nhóm của khoa KTCT tham gia 02 phương án với 2 đối tác là các công ty kiến trúc của Italia. Kết quả: 01 phương án lọt vào vòng shortlist (top 10) do phía Italia chấm chọn. 10 đồ án đã được triển lãm tại Ngôi nhà Ý – Casa Italia tại Hà Nội. Tham gia vào tiểu ban kỹ thuật của cuộc thi còn có ThS. Nguyễn Vinh Quang, ThS. Tạ Anh Dũng và ThS. Nguyễn Quốc Tuân.

+ SV. Đinh Bá Minh Vương (khóa 509110) đã tham gia cuộc thi Thiết kế Trung tâm Thanh niên châu Á trong khuôn khổ ARCASIA Nepal 2013. Đồ án đã lọt qua vòng Quốc gia, vào vòng shortlist (19 đồ án từ 10 nước trong số 18 nước ARCASIA). Kết quả: Đồ án được trưng bày trong triển lãm ARCASIA Nepal 2013 tại trung tâm hội nghị Soaltee Plaza, Kathmandu, Nepal.

+ SV. Đinh Bá Minh Vương (khóa 509110) đã tham gia cuộc thi tìm kiếm ý tưởng cải tạo các không gian công gian công cộng do Qũy văn hóa Đan Mạch và ĐSQ Đan Mạch tổ chức. Cuộc thi đã nhận được 39 bài thi. Kết quả: Ý tưởng cải tạo vườn hoa Pasteur và Zone 9 đã lọt vào vòng shortlist (top 10). 10 đồ án đã được triển lãm tại Tadioto, Zone 9, Hà Nội.

+ SV. Đinh Bá Minh Vương đã tham gia cuộc thi Marathon kiến trúc 72h với đề tài: Thiết kế không gian nhỏ dành cho SV và người độc thân, chọn bối cảnh nghiên cứu là sân ký túc xá ĐHPĐ.

 

 

  1. Hợp tác quốc tế :

      Khoa Kiến trúc-công trình đã có mối quan hệ với một số trường đại học nước ngoài ở các mức độ khác nhau như cử Đoàn thăm viếng, mời chuyên gia đến giảng bài, gửi sinh viên đi thực tế và học chuyên đề trong một số tuần. Đó là các trường ĐHTH Hồng Kông, ĐHTH Kosigama-Nhật, ĐH Northumbria-Anh quốc, Đại học Bách khoa Milano, ĐH Quốc gia về Xây dựng Mockva, Đại học công nghệ Hoa Nam Quảng Châu. Qua việc tổ chức Worshop cho sinh viên ngành Kiến trúc, Khoa đã được mời phối hợp với một trường của CHLB Đức, một của Thái Lan để triển khai nghiên cứu, tổ chức các Hội thảo quốc tế và sau đó có thể viết sách chung về “Kiến trúc bền vững”. Ba trường ĐH Mỹ là ĐH Alabama, ĐH Michigan, ĐH bang Colorado phối hợp với phía Việt nam gồm ĐH Kiến trúc Hà nội (đơn vị điều phối phía Việt nam), Viện Khoa học công nghệ Xây dựng Việt nam và trường ĐH Phương Đông lập Dự án tổ chức Hội thảo về “Đánh gía các hiểm hoạ tự nhiên và Giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu”, dự kiến được tổ chức vào tháng 12 năm 2012 tại Hà Nội.

      Thông qua các quan hệ hợp tác quốc tế, đã có các GS, TS, chuyên gia từ các trường ĐH Tổng hợp Hồng Kông, ĐHTH Kosigama-Nhật, ĐH Northumbria-Anh quốc, Đại học Bách khoia Milano, Đại học công nghệ Hoa Nam, Trung quốc, Hiệp hội kỹ sư tư vấn CHLB Đức, một số công ty Kiến trúc nước ngoài… tới giảng dạy ngắn hạn tại Khoa.

     Tháng 10/2013, Hội KTSVN đã cử KTS. Nguyễn Quốc Tuân – PCN khoa tham dự phiên họp Đại hội đồng KTS Châu Á – ARCASIA 2013 tại Kathmandu, Nepal. Đoàn đại biểu hội KTSVN gồm 3 thành viên đã tham dự phiên họp toàn thể và các ủy ban chuyên trách của ARCASIA. KTS. Nguyễn Quốc Tuân được phân công tham dự phiên họp ủy ban Đào tạo KTS (ủy ban lâu đời nhất của ARCASIA). KTS. Nguyễn Quốc Tuân đã trình bày báo cáo về Đào tạo KTS ở Việt Nam, cũng như thảo luận và biểu quyết một loạt vấn đề liên quan đến đào tạo và hợp tác đào tạo KTS trong khu vực châu Á.

 

  1. Công tác sinh viên, đoàn thể:

      Công tác chính trị tư tưởng nhằm nâng cao ý thức học tập, rèn luyện tư cách đạo đức của sinh viên luôn được Khoa và Nhà trường quan tâm. Trong các năm qua, Liên chi đoàn và một số Chi đoàn TNCS Hồ Chí Minh của khoa KT-CT đã nhiều năm được công nhận là LCĐ, CĐ xuất sắc vững mạnh, được nhận bằng khen của Thành đoàn Hà nội, của TW Đoàn. Đã có 01 nữ sinh viên được nhận danh hiệu “Sao tháng Giêng” của TW Đoàn, nhiều sinh viên được giới thiệu và kết nạp vào Đảng. Năm 2004 sinh viên đầu tiên của Đai học Phương Đông được kết nạp vào Đảng là sinh viên của khoa KT-CT.

       Từ năm 2004 tập thể cán bộ & giảng viên của Khoa đã được công nhận là Tổ lao động xuất sắc, có từ 1-2 đang viên được công nhận là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được biểu dương cuối mỗi năm học, có 1-2 chiến sỹ thi đua, trong đó có người được công nhận 3 năm liên tục. Số đảng viên là giảng viên cơ hữu được tăng hàng năm.

 

  1. Phương hướng hoạt động trong 05 năm tới:

      Trên cơ sở các điểm mạnh, điểm yếu của mình, các nội dung công tác được giao, Khoa Kiến trúc-công trình đã xác định trọng tâm công tác trong thời gian tới như sau:

1- Tiếp tục coi trọng công tác chính trị tư tưởng đối với sinh viên và cán bộ giảng viên nhằm nâng cao ý thức học tập của sinh viên và nâng cao trách nhiệm với thế hệ trẻ của người thầy trong một trường đại học.

2- Triển khai nghiêm túc Bộ Chương trình đào tạo theo hệ tín chỉ năm 2011. Ngoài việc bảo đảm nội dung các môn học, với cơ sở vật chất hiện có (cơ sở thực hành và các phòng thí nghiệm) tiến đến việc thực hiện nghiêm túc tỷ lệ số tiết giữa lý thuyết và thực hành theo Đề cương chi tiết các môn học. Đạt 75-80% số giảng viên thực hiện phương pháp đào tạo chủ động. Phát triển hệ đào tạo Liên thông và Vừa làm vừa học theo đúng Quy chế của Bộ GD&ĐT.

3- Triển khai mọi điều kiện cần thiết để mở thêm đào tạo sau đại học chuyên ngành Kiến trúc công trình vào năm học 2013-2014.

4- Tiếp tục tăng cường chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên. Tạo điều kiện cho giảng viên liên tục nâng cao trình độ thông qua hoạt động KHCN. Kiến nghị một cơ chế vừa mở vừa ràng buộc để nhanh chóng có được một đội ngũ ổn định về giảng viên đào tạo đại học và sau đại học theo chuẩn của Bộ GD&ĐT.

5- Hoàn thiện và phát triển có sở vật chất phục vụ công tác giảng dạy (tư liệu giảng dạy, cơ sở thực hành, thí nghiệm …).

6- Phát huy các kết quả hoạt động KHCN và bồi dưỡng sinh viên giỏi; duy trì các hoạt động như thực hiện các đề tài nghiên cứu ứng dụng sản xuất; tham gia các kỳ thi quốc gia, quốc tế.

7- Tiếp tục thiết lập các mối quan hệ, triển khai hoạt động hợp tác quốc tế nhằm nâng cao năng lực đào tạo nghiên cứu và bồi dưỡng giảng viên.

8- Tăng cường việc quảng bá các ngành nghề đang được đào tạo ở Khoa với xã hội, với các thí sinh; giới thiệu và hỗ trợ việc tìm chỗ làm cho sinh viên tốt nghiệp.

 

  1. Lời kết:

      Toàn thể cán bộ, giảng viên, sinh viên khoa KT-CT rất xúc động và tự hào; nhìn nhận và đánh giá lại quãng đường đã qua, nhận biết được những gì đã làm được và những gì đang còn là yếu kém.     

      Khoa KT-CT thể hiện lòng biết ơn chân thành đến tất cả các Thầy Cô, đến các trường bạn, đến các Hội khoa học&nghề nghiệp, đến các phụ huynh, đến tất cả anh chị em sinh viên đã góp cả công cả của cho sự hình thành và phát triển của Khoa.

      Chặng đường vừa qua khoa KT-CT không phải là đã không có những khó khăn làm ảnh hưởng đến các hoạt động đào tạo & khoa học công nghệ. Chính tai các thời điểm đó, nhờ những chủ trương đúng đắn, những quyết định sáng suốt của Lãnh đạo Nhà trường mà Khoa đã vượt qua để tồn tại và phát triển.

       Xin tất cả hãy cùng chúng tôi chia sẻ tình yêu đối với khoa KT-CT, với Đại học Phương Đông thân yêu!

 -------------------------------------------------------------------------------------------- 

 

Tuyển sinh:

- Hàng năm Khoa Kiến trúc - Công trình tuyển sinh 5 ngành đào tạo, số lượng tuyển sinh nằm trong chỉ tiêu tuyển sinh chung của Nhà trường, khoảng 600 sinh viên hệ Đại học chính quy, 60 học viên hệ Sau đại học (ngành Kỹ thuật Xây dựng Công trình Dân dụng và Công nghiệp).

- Ngành Kiến trúc công trình và ngành Kiến trúc Phương Đông: Thi khối V (Toán – Lý - Vẽ). Các môn Toán, Lý thi theo đề thi chung của bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Ngành Kỹ thuật công trình xây dựng Dân dụng và Công nghiệp; Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông: Thi khối A (Toán – Lý – Hoá), thi theo đề thi chung của bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Ngành Kinh tế và Quản lý Xây dựng : Thi khối A & D, thi theo đề thi chung của bộ Giáo dục và Đào tạo.

 

 

Địa điểm học tập:

 

      Sinh viên Khoa Kiến trúc – công trình học tại khu giảng đường 6 tầng thuộc cơ sở 2 của  trường ĐH Phương Đông tại 228 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Đây là khu giảng đường của trường Đại học Phương Đông đã hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2003. Tại đây có các xưởng học đồ án, phòng học vẽ mỹ thuật – điêu khắc, các phòng thí nghiệm Cơ học vật rắn biến dạng, thí nghiệm Cơ học môi trường rời, Cơ - điện tử, phòng thí nghiệm mạng và chuyển mạch, các phòng máy tính kết nối Internet. Kể từ năm học 2006-2007, sinh viên Khoa Kiến trúc – công trình có thể truy cập mạng Internet wifi tại các sảnh tầng của khu giảng đường.

Tại đây có khu ký túc xá 450 chỗ và các dịch vụ khác của trường đủ tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của sinh viên.

  Địa chỉ liên hệ:

Văn phòng khoa Kiến trúc-công trình, trường Đại học Phương Đông

 Địa chỉ     :  Số 4, ngõ 228 Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội (cơ sở 2)

Điện thoại:  043.6242532

Email       :  letungpdu@gmail.com;   tuan@phuongdong.edu.vn



Tin cũ hơn

vien khoa hoc xay dung
TRƯỜNG ĐẠI HỌC PHƯƠNG ĐÔNG - KHOA CÔNG NGHỆ THÔNG TIN
Địa chỉ: Số 4 ngõ 28 phố Minh Khai, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 04.37848515 / 04.37848516 / 04.37848517 / 04.37847110
Thống kê truy cập
Số người trực tuyến: 1
Số người đã truy cập: 2050697